Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 29/2025/NĐ-CP ngày 24/2/2025 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và các nhiệm vụ, quyền hạn:
Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, dự thảo nghị quyết của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hằng năm của bộ đã được phê duyệt và các chương trình, dự án, đề án theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển trung hạn, dài hạn, hằng năm về các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ; dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được ban hành, phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Bộ Tài chính còn có nhiệm vụ, quyền hạn về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; chiến lược, kế hoạch phát triển ngành thuộc phạm vi quản lý; quy hoạch; nhiệm vụ quyền hạn về quản lý ngân sách nhà nước; về quản lý đầu tư phát triển; về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài; xúc tiến đầu tư; về thuế, phí, lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước; quản lý quỹ ngân sách, quy dự trữ nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và quản lỹ ngân quỹ nhà nước; quản lý dự trữ quốc gia; quản lý tài sản công; quản lý đấu thầu; quản lý vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp; đăng ký, phát triển và quản lý tài chính doanh nghiệp, kinh tế tập thể, hộ kinh doanh.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý vay nợ, trả nợ của Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia và nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam và nguồn cho vay, viện trợ của Việt Nam cho nước ngoài; về kế toán kiểm toán; quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; quản lý tài chính các tổ chức tài chính và dịch vụ tài chính; hải quan; lĩnh vực giá; bảo hiểm xã hội; lĩnh vực thống kê; hợp tác quốc tế.
Quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định pháp luật; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp công thuộc bộ; quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư theo quy định pháp luật. Quản lý và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và thống kê thuộc phạm vi quản lý của bộ theo quy định của pháp luật. Xây dựng, quản lý, vận hành tập trung, thống nhất trên toàn quốc và bảo đảm an toàn, an ninh các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia thuộc phạm vi quản lý theo quy định pháp luật…